Tin tức kỹ thuật

NUÔI LỢN ĐEN BẢN ĐỊA, CUNG KHÔNG ĐỦ CẦU

Giống lợn đen bản địa ở Mường Khương (Lào Cai) thích ứng tốt với khí hậu bất lợi, giá luôn cao (60 – 70 nghìn đồng/kg hơi), nguồn cung luôn không đủ nhu cầu. Chăn nuôi lợn đen giúp mang lại thu nhập cao cho anh Tráng Chu Thức. Ảnh: HĐ.  Với 30 triệu đồng ban đầu, ông Tráng Chu Thức ở thôn Ngam Lâm, xã Nấm Lư (huyện Mường Khương, Lào Cai) quyết định đầu tư nuôi lợn đen bản địa. Chỉ một thời gian ngắn, nhờ con lợn đen, kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định, có của ăn của để.Ông Thức cũng là hộ dân đầu tiên áp dụng mô hình nuôi lợn đen bản địa tại Ngam Lâm và là một trong những tấm gương đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương đã tạo điều kiện cho ông Tráng Chu Thức vay vốn 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa.Từ nguồn vốn vay cộng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng và một phần vốn của gia đình, gia đình ông Thức bắt tay vào xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, được chia làm 2 khu nuôi lợn nái sinh sản và nuôi lợn thịt. Lợn được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như ngô, chuối, khoai lang…, không sử dụng thức ăn công nghiệp.Để đàn lợn phát triển tốt, ông Thức thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh, đồng thời vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc. Ông thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại và tự kiểm tra sức khỏe cho đàn lợn, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi để áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình. Chính vì vậy, đàn lợn của gia đình ông an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi.Hiện nay, ông Thức đã xây dựng được 4 dãy chuồng trong đó 2 chuồng lớn nuôi lợn thịt, 2 dãy còn lại nuôi lợn nái và lợn con để cung cấp giống cho thị trường. Thời điểm này, gia đình ông duy trì 8 con lợn nái, hơn 70 con lợn thịt, cho thu nhập hàng năm từ 300 – 400 triệu đồng.Ông Thức cho biết, ngoài chăn nuôi lợn thịt, ông còn đầu tư nuôi lợn nái để bán giống. Có những thời điểm như năm 2021, đàn lợn của gia đình ông lên đến hàng trăm con, bao gồm cả lợn nái, lợn thịt và lợn giống.Nhờ mô hình nuôi lợn đen bản địa, kinh tế nhà ông ngày càng ổn định, dần có của ăn của để. Bên cạnh nuôi lợn đen bản địa, ông Thức còn trồng lúa, ngô, trồng rừng để tăng thu nhập.Không chỉ làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, ông còn thường xuyên chia sẻ, động viên các hộ trong thôn mạnh dạn làm kinh tế, không phụ thuộc, ỷ lại hay trông chờ nhà nước hỗ trợ.Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mường Khương cho biết, nuôi lợn đen bản địa của bà con nông dân trên địa bàn chủ yếu ở quy mô nhỏ, hộ gia đình. Việc chăn nuôi ở vùng cao Mường Khương mặc dù không được tối ưu do điều kiện tự nhiên, khí hậu…, tuy nhiên giống lợn đen bản địa lại thích ứng tốt.Mặt khác, người dân chăn nuôi theo tính chất thủ công, không sử dụng cám tăng trọng nên chất lượng thịt tốt, thơm ngon… Cũng vì vậy, giá bán thịt lợn đen bản địa cao hơn thịt lợn thông thường, dao động khoảng 60 – 70 nghìn đồng/cân hơi.Tuy nhiên, chăn nuôi ở vùng cao chỉ phù hợp quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ nên việc kiểm soát dịch bệnh cũng là một vấn đề cần lưu ý, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Hiện thịt lợn đen bản địa chủ yếu phục vụ tại chỗ, tiêu thụ trong huyện cung đã không đủ cầu… Kim Huệ – Văn Phà Nguồn: nongnghiep.vn

NUÔI GÀ LAI CHỌI AN TOÀN SINH HỌC

Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai thành công Chương trình chăn nuôi gà lai chọi thương phẩm an toàn sinh học (ATSH) tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình đã giúp bà con tiếp cận với khoa học kỹ thuật, chăn nuôi gà hiệu quả, cải thiện thu nhập.Năm 2021, gia đình chị H’hà, ở xã Đắk P’lao (Đắk Glong), được tham gia mô hình nuôi gà lai chọi ATSH do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Mô hình nuôi gà với thời gian ngắn, thu hồi vốn nhanh, giúp chị có nguồn thu nhập tốt.Quan trọng hơn, tham gia mô hình đã giúp chị biết cách áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi gà. Chị cũng từ bỏ cách chăn nuôi gà truyền thống kém hiệu quả.Chị H’hà cho biết: “Nuôi gà ATSH mang lại nhiều lợi ích. Tỷ lệ gà sống đạt 100%, gà ít mắc bệnh, nhanh lớn. Chuồng trại nuôi gà sạch sẽ, tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng”.Mô hình chăn nuôi gà lai chọi ATSH tại gia đình anh Ma Seo Vàng, xã Đắk Ngo (Tuy Đức), đạt hiệu quả caoNăm 2022, gia đình anh Ma Seo Vàng, ở bản Sín Chải, xã Đắk Ngo (Tuy Đức), cũng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100 con gà giống lai chọi để phát triển mô hình chăn nuôi ATSH.Sau khoảng 3 tháng, trọng lượng trung bình mỗi con gà đạt 1,7 kg. Theo anh Vàng, với giá bán 70.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, mỗi con gà sẽ cho lãi khoảng 35.000 đồng. Với mức lãi này, nếu mở rộng quy mô chăn nuôi và gối vụ, anh sẽ có nguồn thu nhập lớn.Anh Vàng cho hay: “Nuôi gà địa phương phải đến 6 tháng mới đạt được 2 kg. Nuôi gà lai chọi ATSH chỉ khoảng 3 tháng đã đạt trọng lượng tương đương. Gà lai chọi ATSH khỏe mạnh, ít dịch bệnh, đầu ra tốt”.Những năm qua, việc chăn nuôi gia cầm của người dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do bà con chăn nuôi theo kiểu tự cung, tự cấp, chưa quan tâm đến sản xuất hàng hóa, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.Việc triển khai mô hình nuôi gà lai chọi thương phẩm ATSH là một hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông thôn. Tại một số địa bàn như: Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Glong… đã có những trang trại nuôi gà ATSH lên đến hàng ngàn con.Các mô hình chăn nuôi gà ATSH đều được người dân đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực. Với thời gian nuôi trung bình 3 tháng, trọng lượng mỗi con gà đạt 1,88 kg; tỷ lệ sống trên 90%, lợi nhuận bình quân 35.700 đồng/con.Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ 2016 đến nay, với nguồn kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, đơn vị đã cấp 18.500 con gà giống lai chọi cho 190 hộ gia đình tham gia chăn nuôi ATSH.Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc xây dựng mô hình nuôi gà lai chọi ATSH trước hết là tạo sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.Ngoài ra, mô hình cũng giúp người dân tiếp cận với khoa học, kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi. Sau khi mô hình được triển khai thành công, Trung tâm sẽ tiến hành liên kết chuỗi chăn nuôi gà lai chọi ATSH theo hướng hàng hóa, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho bà con.Hiện ngành chức năng đang tập trung kết nối, tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra ổn định cho bà con nuôi gà. Từ đó, giúp mô hình chăn nuôi gà ATSH phát triển ổn định, hiệu quả hơn.

SỬ DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI HEO

Sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn vào thức ăn cho heo là một hướng đi bền vững giúp cho các hộ nuôi, trang trại nâng cao hiệu quả.Giai đoạn 1 (heo có khối lượng dưới 20 kg)Cơ sở chăn nuôi nên sử dụng thức ăn công nghiệp mua từ những cơ sở sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng và an toàn. Bổ sung chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất.Giai đoạn 2 (heo có khối lượng từ 20 kg trở lên)Có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh hoặc thức ăn tự phối trộn. Thức ăn tự phối trộn từ những nguyên liệu thông dụng, sẵn có tại địa phương, không nên sử dụng nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc động vật (ngoại trừ bột cá). Trước khi chế biến, cơ sở cần lập công thức thức ăn (khẩu phần cơ sở) theo từng giai đoạn sinh trưởng đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho heo.Chế phẩm vi sinh chứa nấm men hoạt tính Saccharomyces: Thức ăn hỗn hợp theo công thức được trộn đều với nước sạch và chế phẩm theo tỷ lệ 800 kg thức ăn hỗn hợp + 200 kg nước sạch + 2 kg chế phẩm vi sinh Fodder Yeast. Hỗn hợp này sau đó được đưa vào thùng nhựa hoặc thùng phuy đậy kín (trường hợp không có thùng nhựa/phuy thì dùng túi ni lông buộc kín) để ủ trong nhà thông thoáng, đảm bảo tránh mưa, nắng. Sau khi ủ ít nhất 7 ngày (mùa hè) và 10 ngày (mùa đông) thì bắt đầu sử dụng. Sản phẩm sau khi ủ có thể sử dụng 3 - 6 tháng. Nên sử dụng thức ăn công nghiệp mua từ những cơ sở sản xuất uy tín.  Chế phẩm vi sinh chứa vi khuẩn Lactic: Thức ăn hỗn hợp theo công thức được trộn đều với chế phẩm vi sinh Lacto Powder T theo tỷ lệ 2 kg/tấn. Bảo quản thức ăn ở nơi khô thoáng tối đa là 2 tháng. Hằng ngày trộn thức ăn hỗn hợp (đã bổ sung chế phẩm vi sinh) với nước sạch theo tỷ lệ 20 kg thức ăn với 10 kg nước sạch (2:1), sau đó đặt vào thùng, ủ 24 - 36 giờ trước khi sử dụng. Sản phẩm sau khi ủ nên sử dụng trong ngày. Yêu cầu sản phẩm: Sản phẩm đồng đều, giữ được màu sản phẩm, có mùi thơm.Chế phẩm vi sinh chứa bào tử Bacillus: Nguyên tắc sử dụng chế phẩm vi sinh có chứa bào tử Bacillus theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Một số chế phẩm vi sinh chứa bào tử Bacillus như: Chế phẩm Powerzyme 100, bổ sung 0,5 kg/tấn; Chế phẩm Bacillus Weaner, bổ sung 0,2 - 0,4 kg/tấn; Chế phẩm NeoEnvi, bổ sung 0,5 kg/tấn.Chế phẩm vi sinh là enzyme: Cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Người nuôi có thể sử dụng chế phẩm Kangjuntai chứa enzyme Lysozym, bổ sung 1 - 2 kg/tấn.Nguyên tắc sử dụng- Chế phẩm vi sinh bao gồm chế phẩm probiotic (lợi khuẩn) và enzyme.- Khi bổ sung chế phẩm vi sinh thì không nên dùng kháng sinh vì kháng sinh làm mất tác dụng của vi sinh vật và giảm hiệu quả sử dụng thức ăn.- Các cơ sở chăn nuôi có thể lập khẩu phần thức ăn theo điều kiện của cơ sở và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương theo một giai đoạn hoặc nhiều giai đoạn nuôi dưỡng. Hoặc sử dụng thức ăn công nghiệp mua từ cơ sở sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc.- Các biện pháp an toàn sinh học phải luôn đảm bảo theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc nhà cung cấp sản phẩm.- Ngoài các chế phẩm vi sinh nêu trên, các cơ sở chăn nuôi có thể tìm mua các sản phẩm vi sinh khác được phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng.- Nếu sử dụng chế phẩm vi sinh bằng cách rải xuống nền chuồng hoặc phun sương trong chuồng thì không phun hóa chất khử trùng trong chuồng nuôi. Nguồn : Người Chăn Nuôi

VERT CITY ĐỘT PHÁ CÔNG NGHỆ NHẬN DẠNG KHUÔN MẶT DÊ

Một trang trại dê sinh thái ở miền Đông Trung Quốc đang phát triển hệ thống nhận dạng khuôn mặt mới, không phải cho nhân viên mà cho những con dê của họ.Trang trại dê sinh thái Vert City có trụ sở tại Thượng Hải nuôi dê trắng hữu cơ duy nhất tại Trung Quốc, đã bắt đầu phát triển hệ thống nhận dạng khuôn mặt dành cho dê từ năm 2019 và dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2022.Huang Zhen, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trang trại Vert City, cũng là Chủ tịch Tập đoàn Phát triển công nghệ Wanhe cho biết: Các camera được thiết kế để nhận ra đặc điểm của từng con dê, bao gồm hành vi, hình dạng cơ thể và các kiểu hoạt động, từ đó dễ dàng phân biệt từng con dê một. Công cụ này cũng có thể nhận ra các triệu chứng của một số bệnh, bao gồm đau miệng và tiêu chảy. Máy ảnh sử dụng tia hồng ngoại để đo nhiệt độ cơ thể của dê và sẽ cảnh báo cho các bác sĩ thú y trang trại nếu nhiệt độ chúng tăng trên 400C.  Công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể giúp tránh giao phối cận huyết giữa các con dê, vì hệ thống ghi lại hoạt động sinh sản của chúng. Kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt cũng có thể cho biết liệu một con dê có mang thai hay không và giúp các bác sĩ thú y chuẩn bị phương pháp xử lý. Hiện, khoảng 1.000 con dê đã được cấy chip để cho phép công nghệ này tìm hiểu về hành vi của chúng cũng như thử nghiệm các mô hình dự đoán trên máy tính.Hệ thống đang thu thập dữ liệu và tìm hiểu cách xác định xem một con dê có các triệu chứng tiêu chảy hoặc khi đã sẵn sàng để phối giống dựa trên hình ảnh và video. Huang cho biết thêm, trong tương lai, ông hy vọng hệ thống thậm chí có thể đưa ra dự đoán về trọng lượng của từng con dê dựa trên chế độ ăn uống và tốc độ tăng trưởng của chúng.Công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng có thể giúp giảm tải công việc của nhân viên. Hiện tại, khi không có công nghệ, quản lý và bác sĩ thú y cần phải kiểm tra nhiều lần trong ngày để quan sát sức khỏe của những con dê. Nhưng với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, các nhà quản lý có thể nhận được thông tin cập nhật trên điện thoại của họ. “Công nhân không phải theo dõi tình trạng dê tại chỗ. Ví dụ, chúng tôi hiện có 11 người quản lý 3.000 con dê. Hệ thống có thể hiển thị thông tin của từng con dê trên màn hình máy tính, bao gồm giới tính, tuổi, trọng lượng, cũng như tình trạng sức khỏe, tiêm phòng và mang thai. Nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ nhận dạng khuôn mặt, trang trại chỉ cần thuê 7 người để quản lý 10.000 con dê”, Huang nói thêm. Trang trại của Huang dự kiến sẽ trở thành trang trại nuôi dê lớn nhất ở miền Đông Trung Quốc sau khi mở rộng và cải tạo trang trại lần thứ ba vào năm 2022.Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng thường xuyên ở Trung Quốc để giám sát mọi người tại sân bay, nhận biết vi phạm giao thông và thậm chí truy bắt tội phạm tại các buổi hòa nhạc. Tuy nhiên, tại đây, công nghệ nhận dạng khuôn mặt dành cho động vật vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Nguồn : Người Chăn Nuôi

Đồng Nai: Xử lý vi phạm về chất lượng thức ăn chăn nuôi

Đồng Nai: Xử lý vi phạm về chất lượng thức ăn chăn nuôiTheo báo cáo của Sở NN-PTNT về kết quả hoạt động thanh tra trực tiếp các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh, đợt kiểm tra vào cuối năm 2021, Đoàn thanh tra đã kiểm tra tại 30 cơ sở gồm 13 công ty và 17 cửa hàng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 9 cơ sở vi phạm về kinh doanh thức ăn chăn nuôi kém chất lượng và vi phạm về kinh doanh thức ăn chăn nuôi giả về chất lượng và các vi phạm khác với tổng số tiền phạt trên 45,5 triệu đồng. Người chăn nuôi e ngại chất lượng thức ăn chăn nuôi kém chất lượng. Ảnh: Trại nuôi heo tại H.Thống Nhất. Ảnh: Phan Anh  Về kết quả phân tích kiểm tra chất lượng 50 mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có 44/50 mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản đạt chất lượng theo hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 88%. Có 6/50 mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vi phạm về chất lượng, chiếm 12%. Trong đó có 3 mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vi phạm có chỉ tiêu không đạt chất lượng so với tiêu chuẩn đã công bố; 3 mẫu vi phạm giả về chất lượng có hàm lượng chất chính đạt dưới 70% so với hồ sơ công bố. Không phát hiện các chất cấm trong các mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản đưa đi phân tích. Nguồn: Báo Đồng Nai

Công nghệ SPR trong thiết kế và đánh giá hiệu quả vắc xin

Sự thiếu hiệu quả trong gây đáp ứng miễn dịch là rào cản lớn nhất khi nghiên cứu sản xuất vắc xin mới. Trước thách thức này, phương pháp cộng hưởng plasmon bề mặt (Surface Plasmon Resonance – SPR) nổi lên như là một công cụ hiệu quả xác định chính xác cấu trúc gây ra đáp ứng miễn dịch, từ đó xác định được loại vắc xin an toàn, hiệu quả cao. Công nghệ SPR cung cấp cơ sở đáng tin cậy để sàng lọc các loại vắc xin phòng chống nhiều bệnh khác nhau như sốt rét, cúm hoặc thậm chí là bệnh ung thư. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp đánh giá hiệu quả đáp ứng miễn dịch của cơ thể trong nghiên cứu lâm sàng thông qua kiểm tra huyết thanh của từng cá thể thử nghiệm.Vài nét về công nghệ SPRCông nghệ SPR dựa trên việc sử dụng cảm biến quang học giúp đánh giá tương tác phân tử trong thời gian thực mà không cần đánh dấu phân tử mục tiêu. Không cần đánh dấu phân tử trong phân tích tương tác phân tử đồng nghĩa với việc có thể tăng độ chính xác khi phân tích động lực học tương tác, giảm thời gian phân tích, giảm chi phí và hiện tượng tương tác không đặc hiệu giữa phân tử mục tiêu và phân tử đánh dấu. Công nghệ này mới được phát triển trong thời gian gần đây và hứa hẹn sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai. Nhờ công nghệ SPR, quá trình nghiên cứu và phát triển vắc xin được đẩy mạnh tại hàng loạt công ty hàng đầu trong sản xuất vắc xin như Crucell (Hà Lan), Algonomics (Bỉ), Novavax (Mỹ)…Cấu trúc cơ bản của chip cảm biến trong hệ thống phân tích của SPR làm bằng vật liệu cho độ phản xạ tốt, một mặt có gắn lớp ma trận giúp gắn nhiều loại phối tử (ligand) để khảo sát nhiều kiểu tương tác khác nhau, một mặt được phủ lớp kim loại mỏng (thường là vàng). Cấu tạo và cơ chế hoạt động cơ bản của hệ thống được trình bày ở hình 1. Bề mặt chip cảm biến trong công nghệ SPR cho phép gắn nhiều loại phối tử khác nhau theo liên kết cộng hóa trị, tương tác đặc hiệu theo vị trí (ví dụ chip NTA dùng cho gắn protein His-tag, chip streptavidin/neutravidin dùng cho protein gắn biotin…) hoặc tương tác kị nước (chip HPA – hãng GE Healthcare)… [1].  Ứng dụng của công nghệ SPR trong thiết kế và đánh giá hiệu quả vắc xinTrong thiết kế vắc xinCúm là bệnh dịch dễ bùng phát theo mùa và dẫn đến các đại dịch toàn cầu như chủng H5N1. Để phòng tránh cần một phương pháp sản xuất vắc xin hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn cùng với đó là phương pháp phân tích nhanh và đơn giản. Với nhu cầu đó, phương pháp SPR hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu sàng lọc, phát triển vắc xin nhanh chóng và đem lại hiệu quả cao.Về mặt lý thuyết, sự tương tác giữa các phức hợp miễn dịch (ICs) và thụ thể của vùng Fc (FcRs) là một quá trình cần thiết cho sự phát triển của kháng thể khi tiêm vắc xin. Loại FcRs và cấu trúc Fc trong ICs quyết định các tín hiệu trong tế bào sẽ diễn ra như thế nào. Trong khi đó, phân nhóm IgG (kháng thể) và thành phần glycan Fc (nhóm đường gắn với kháng thể) sẽ quyết định cấu trúc của Fc. Khi nghiên cứu cấu trúc glyco-form kháng hemagglutinin (một loại kháng nguyên) liên quan đến sự chọn lọc của tế bào B và hiệu quả vắc xin bằng phương pháp SPR [2], Wang và cộng sự đã thay đổi cấu trúc của vùng Fc trên kháng thể IgG (được tiết ra nhờ đáp ứng miễn dịch với vắc xin cúm) bằng cách thay đổi phân nhóm IgG và thành phần glycan Fc. Sau đó các tác giả so sánh sự ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch của các loại phức hợp này trên môi trường in vivo và in vitro.Trong thí nghiệm với hệ thống phân tích SPR, kháng thể IgG được tiết ra từ chủng chuột hoang dại hoặc CD23-/- chứa sFc (Fc được gắn gốc sialic axit) sẽ được gắn trên bề mặt chip cảm biến. Protein HA sẽ đi qua bề mặt chip và tương tác với nhiều loại IgG khác nhau trên bề mặt, sau đó hằng số tỷ lệ phân ly (kd) được ước lượng từ bộ cảm biến. Kết quả cho thấy, phức hợp miễn dịch có kháng thể có vùng Fc gắn gốc sialic axit (sIC) trong chủng chuột hoang dại có ái lực cao hơn từ 10 đến 20 lần (kd thấp hơn) so với phức hợp miễn dịch asialylated và sIC trên chủng chuột CD23-/-. Kết quả thu được từ hệ thống SPR cùng với các kết quả từ thử nghiệm in vitro và in vivo đã giúp các nhà khoa học đưa ra con đường thành thục ái lực của kháng thể. Từ đây, có thể mở ra hướng nghiên cứu nhiều loại kháng thể có ái lực cao phục vụ trong nghiên cứu vắc xin.Đánh giá hiệu quả gây đáp ứng miễn dịch của vắc xin và vai trò của tá dượcHệ thống SPR không chỉ giúp các nhà khoa học giải quyết vấn đề ở bước đầu nghiên cứu vắc xin mà còn cả ở trong nghiên cứu lâm sàng với một loại vắc xin. Trong nghiên cứu lâm sàng, các mẫu huyết thanh sẽ được sàng lọc để xác định khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch với các loại vắc xin khác nhau.Một ví dụ cụ thể về nghiên cứu đáp ứng của hệ miễn dịch với vắc xin cúm có hoặc không có tá dược đã được Tanja Jaherde và cộng sự thực hiện [3]. Trong nghiên cứu này, hai nhóm người trưởng thành được chia ra để tiêm vắc xin Vaxigrip™ có hoặc không có tá dược. Mẫu huyết thanh của hai nhóm người này được lấy ở các thời điểm khác nhau (0, 7, 28, 90 và 150 ngày) sau khi tiêm vắc xin và sàng lọc với hệ thống SPR (Biacore 4000 – GE Healthcare). Sau đó, hơn 500 mẫu huyết thanh được sàng lọc đánh giá sự tương tác với protein HA từ chủng cúm Brisbane B, California H1N1, Perth H3N2 và vắc xin Vaxigrip™. Tính năng chạy song song nhiều mẫu với nhiều kênh dòng chảy trên cùng một chip của hệ thống SPR cho phép các nhà nghiên cứu có thể sàng lọc được sự tương tác giữa 4 mẫu huyết thanh khác nhau và 4 mẫu protein HA/vắc xin khác nhau trong cùng một lần chạy. Mức độ tương tác của protein HA và vắc xin Vaxigrip™với kháng thể được đánh giá cho từng người thử nghiệm. Kết quả chạy SPR cho thấy, hầu hết phản ứng miễn dịch của các cá nhân cao nhất ở ngày thứ 28. Một số cá nhân có đáp ứng miễn dịch cao sau ngày 28 nhưng hầu hết phản ứng miễn dịch của phần lớn người tham gia thử nghiệm đều giảm sau ngày 28. Từ đây cho thấy được mức độ đáp ứng của cơ thể với sự tương tác của protein HA/vắc xin và kháng thể.Bên cạnh đó, các dữ liệu phân tích từ hệ thống SPR còn cho thấy, với các bệnh nhân được tiêm vắc xin có tá dược sẽ có mức độ biểu hiện nhiều kháng thể kháng Brisbane, California, Vaxigrip™ vào ngày thứ 7 và 28 hơn so với nhóm tiêm vắc xin không có tá dược.Xác định đáp ứng của hệ miễn dịch với vắc xin khi sử dụng hệ thống SPR sẽ giúp các nhà nghiên cứu xác định được thông tin chi tiết về khả năng đáp ứng miễn dịch của từng người, phân tích và so sánh song song để đưa ra kết quả chính xác nhất trong thời gian ngắn. Ngoài ra, hệ thống SPR còn có thể xác định được đáp ứng miễn dịch ở giai đoạn sớm khi mà ái lực của kháng thể ở giai đoạn này thấp và khó xác định bằng các phương pháp thông thường.Thay cho lời kếtVới những ưu thế trong quá trình thiết kế và sàng lọc vắc xin như tự động hóa quá trình sàng lọc, giảm thời gian và khối lượng mẫu cần thiết, đồng thời mang lại khả năng khảo sát nhạy hơn với độ tin cậy cao, hệ thống phân tích SPR sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu thiết kế và tối ưu vắc xin cũng như tá dược, giúp phòng ngừa nhiều bệnh như HIV, bại liệt, cúm, viêm gan… Từ những phân tích như lập bản đồ epitope (Epitope là yếu tố quyết định kháng nguyên của một vật lạ với cơ thể như virus hoặc vi khuẩn. Trên bề mặt vật lạ có thể có nhiều epitope, bản đồ epitope cho phép người nghiên cứu xác định được các epitope trên bề mặt vật lạ đó), động lực học, ái lực, nhiệt động lực học, độ chọn lọc và nồng độ, các nhà nghiên cứu có thể xác định rõ hơn đặc tính và tác động của chúng lên hệ miễn dịch, từ đó giúp phát triển được vắc xin an toàn và hiệu quả. Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt Nam

Nhập khẩu khô đậu tương năm 2022 dự báo đạt trên 5 triệu tấn

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong tháng 7/2022 và tuần đầu tháng 8/2022, giá xuất khẩu khô đậu tương tại các thị trường đều tăng so với tháng trước do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung hạn chế tại Nam Mỹ. 6 tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam đạt 2,44 triệu tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, giảm 0,8% về lượng nhưng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 49,4% về lượng và 51,6% về trị giá trong tổng nhập khẩu TACN&NL về Việt Nam.Thế giớiVề cung cầu: USDA dự báo sản lượng khô đậu tương toàn cầu vụ 2022/23 đạt 256,8 triệu tấn, tương đương với dự báo trước và tăng 10,8 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng khô đậu tương của Trung Quốc chiếm đến 29,3% tỷ trọng trong tổng sản lượng khô đậu tương toàn cầu, đạt 75,2 triệu tấn, tương đương với dự báo trước và tăng 6,3 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiếp đến là sản lượng khô đậu tương của Mỹ chiếm 18,7% tỷ trọng, đạt 47,9 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với niên vụ trước; Sản lượng của Braxin và Achentina đạt lần lượt 38,4 triệu tấn và 32 triệu tấn, chiếm lần lượt 15% và 12,5% tỷ trọng.Lượng xuất khẩu khô đậu tương toàn cầu dự kiến đạt 69,9 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, giảm nhẹ so với dự báo trước nhưng tăng 1,3 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong đó, Achentina dự kiến xuất khẩu 28,5 triệu tấn, tăng 0,2 triệu tấn so với niên vụ trước; Braxin xuất khẩu 18,1 triệu tấn, giảm 0,4 triệu tấn; Mỹ xuất khẩu 12,7 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với niên vụ trước. Nhu cầu nhập khẩu khô đậu tương toàn cầu vụ 2022/23 dự kiến đạt 65,1 triệu tấn, giảm nhẹ so với dự báo trước nhưng tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ 2021/22.Việt Nam là nước nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 thế giới (sau EU và Indonesia), dự kiến đạt 5,3 triệu tấn, tăng 0,1 triệu tấn so với niên vụ trước. Tồn kho cuối kỳ khô đậu tương toàn cầu niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 14,2 triệu tấn, tăng 0,1 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 0,3 triệu tấn so với niên vụ 2021/22. Nhu cầu tiêu thụ khô đậu tương toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 251,7 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 9,6 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong đó, Trung Quốc dự kiến tiêu thụ 74,3 triệu tấn, tăng 5,9 triệu tấn so với niên vụ trước và chiếm 29,5% tổng tiêu thụ khô đậu tương toàn cầu. Tiếp đến là Mỹ, nhu cầu tiêu thụ trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 35,6 triệu tấn, tăng 0,7 triệu tấn so với niên vụ trước và chiếm 14,1% tỷ trọng. Tiêu thụ khô đậu tương của EU đạt 28,7 triệu tấn, tăng 0,2 triệu tấn so với niên vụ trước và chiếm 11,4% tỷ trọng; Việt Nam dự kiến tiêu thụ 6,3 triệu tấn, chiếm 2,5% tỷ trọng.     Dự báo về sản lượng khô đậu tương niên vụ 2022/23 tại một số nước trồng lớn (ĐVT: triệu tấn) Về giáTrong tháng 7/2022 và tuần đầu tháng 8/2022, giá xuất khẩu khô đậu tương tại các thị trường đều tăng so với tháng trước do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung hạn chế tại Nam Mỹ. Cụ thể, giá khô đậu tương 48% protein giao tháng 10/2022 của Mỹ ở mức 615 USD/tấn, FOB, Nola, tăng 75 USD/tấn so với tháng trước và tăng 181 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu khô đậu tương 47 pro tại Achentina giao tháng 10/2022 ở mức 540 USD/tấn, FOB, tăng 55 USD/tấn so với tháng trước và tăng 145 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021. Tại Braxin, giá xuất khẩu khô đậu tương giao tháng 10/2022 ở mức 545 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với tháng trước và tăng 142 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021. Giá khô đậu tương xuất khẩu của các nước Nam Mỹ và Mỹ trong tháng tới dự kiến giảm nhẹ do triển vọng nguồn cung dồi dào trong niên vụ 2022/23, và giá các hang hóa nông sản giảm. Trong nướcKim ngạch nhập khẩu khô đậu tương: Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt 563,9 nghìn tấn, trị giá 326 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với tháng trước, nhưng tăng 58% về lượng và tăng 81,6% về trị giá so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam đạt 2,44 triệu tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 49,4% về lượng và 51,6% về trị giá trong tổng nhập khẩu TACN&NL về Việt Nam.Dự báo lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam trong năm 2022 đạt trên 5 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, giảm 0,4% về lượng và giảm 8% về trị giá so với năm 2021.Về thị trường cung cấp: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khô đậu tương từ 7 thị trường, trong đó Achentina và Braxin là hai thị trường cung cấp khô đậu tương lớn nhất. Lượng nhập khẩu khô đậu tương từ Achentina chiếm 56,2% tổng lượng khô đậu tương nhập khẩu, đạt 1,37 triệu tấn, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Braxin là thị trường cung cấp khô đậu tương lớn thứ 2 cho Việt Nam, đạt 914,8 nghìn tấn trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 109,4% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 37,5% tỷ trọng nhập khẩu.Lượng nhập khẩu khô đậu tương từ Mỹ giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 100,6 nghìn tấn, giảm 60,2% so với cùng kỳ năm 2021.Giá nhập khẩu trung bình khô đậu tương trong tháng 6/2022 ở mức 578 USD/tấn, giảm 3,4% so với tháng trước, nhưng tăng 14,9% so với tháng 6/2021. Giá nhập khẩu khô đậu tương từ thị trường Mỹ cạnh tranh nhất, đạt 505 USD/tấn, giảm 8% so với tháng trước. Tiếp đến là giá nhập khẩu khô đậu tương từ thị trường Achentina đạt 512 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng trước, nhưng giảm 1,5% so với tháng 6/2021.

Xuất khẩu thức ăn gia súc 7 tháng đầu năm 2022 tăng 9,2%

7 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc đạt 680,25 triệu USD, tăng 9,2% so với 7 tháng đầu năm 2021.Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 7/2022 đạt 94,76 triệu USD, giảm16,8% so với tháng 6/2022 nhưng tăng 2% so với tháng 7/2021.Tính chung cả 7 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu nhóm hàng này đạt 680,25 triệu USD, tăng 9,2% so với 7 tháng đầu năm 2021.Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam, chiếm 40,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 276,8 triệu USD, tăng 25,2% so với 7 tháng năm 2021; trong đó riêng tháng 7/2022 đạt 28,61 triệu USD, giảm 29,5% so với tháng 6/2022 và giảm 13% so với tháng 7/2021.Tiếp sau đó là thị trường Campuchia trong tháng 7/2022 tăng 17% so với tháng 6/2022 và cũng tăng 22,6% so với tháng 7/2021, đạt 18,81 triệu USD; tính chung cả 7 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu sang thị trường này tăng 7,6% so với 7 tháng đầu năm 2021; đạt 96,99 triệu USD, chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch.Xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 13,1%, đạt 89,08 triệu USD, tăng 32,2%; riêng tháng 7/2022 xuất khẩu sang thị trường này đạt 16,17 triệu USD, tăng 4% so với tháng 6/2022 và tăng 47,6% so với tháng 7/2021.Xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sang thị trường FTA RCEP 7 tháng đầu năm 2022 tăng 18% so với 7 tháng đầu năm 2021, đạt 508,06 triệu USD; Xuất khẩu sang thị trường FTA CPTTP tăng 6,7%, đạt 64,15 triệu USD.Xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 7 tháng đầu năm 2022 (Theo số liệu công bố ngày 11/8/2022 của TCHQ). ĐVT: USDTừ Trung tâm TTCN&TM

Tổng quan về tình hình chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022

Tổng quan về tình hình chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao, đặc biệt đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ nhưng về cơ bản, chăn nuôi vẫn tăng trưởng.I. Về tình hình chăn nuôi nói chungĐàn vật nuôi tăng 5,7%Theo số liệu của Tổng cục Thống kê so với cùng kỳ năm 2021, tại thời điểm tháng 6/2022, tổng đàn lợn ước tính tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 2,12 triệu tấn (tăng 5,7%); đàn gia cầm tăng 1,2%, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng khoảng 980 ngàn tấn (tăng 5,2%), sản lượng trứng khoảng 8,8 tỷ quả (tăng 4,8%); tổng đàn bò tăng 2,2%, sản lượng thịt bò hơi khoảng 241,2 ngàn tấn (tăng 4,4%), sản lượng sữa tươi khoảng 617,8 triệu lít (tăng 10,1%); tổng số trâu giảm 1,4%, tuy nhiên sản lượng thịt trâu hơi khoảng 62 ngàn tấn (tăng 1,8%). Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng GTSX ngành chăn nuôi đạt 5,7% (toàn ngành nông nghiệp đạt 2,8%).Sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 10,5 triệu tấnSản lượng TACN công nghiệp 6 tháng năm 2022 ước đạt 10,5 triệu tấn tương đương so với 6 tháng đầu năm 2021; trong đó thức ăn cho lợn (chiếm khoảng 55% tổng sản lượng) tăng khoảng 13,2%, cho gia cầm (chiếm 40%) giảm khoảng 8,6%, loại khác (chiếm 5%) giảm khoảng 12,5%.Thị trường sản phẩm chăn nuôi Giá lợn thịt hơi xuất chuồng6 tháng đầu năm 2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng bán tại cổng trại theo xu hướng tăng ở cả 3 miền, duy trì ở mức từ 55.000-59.000 đg/kg trong thời gian dài. Trong 2 tuần đầu tháng 7/2022, giá tăng mạnh từ 12-15% so với mức giá bình quân trong tháng 6/2022, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Bắc. Hiện nay, giá đang dao động từ 63.000-68.000 đg/kg tại miền Bắc, từ 58.000-63.000 đg/kg tại miền Trung, Tây Nguyên và từ 54.000-63.000 đg/kg tại các tỉnh khu vực miền Nam. Mức giá hiện nay tương đương với cùng kỳ năm 2021.Giá sản phẩm gia cầm: so với thời điểm tháng 01/2022, bình quân trong tháng 6/2022 giá các sản phẩm chính đa số đều tăng.Nhóm gà thịt lông màu nuôi công nghiệp theo xu hướng tăng tại cả 3 miền, giá bình quân dao động từ 40.000-42.000 đg/kg tăng lên 55.000-57.000 đg/kg. Giá con giống tăng từ 5.500-6.500 đg/con lên 9.500-11.500 đg/con.Nhóm gà thịt lông trắng: giá bình quân dao động từ 26.000-30.000 đg/kg tăng lên 33.000-36.000 đg/kg tùy từng khu vực. Trong khi giá con giống ổn định từ 6.000-8.000 đg/con.Giá các sản phẩm vịt cũng tăng mạnh, trong đó giá vịt Super M tăng trung bình từ 34.900 đg/kg lên 47.500 đg/kg; giá vịt thịt Grimaud tăng trung bình từ 34.600 đg/kg lên 48.500 đg/kg (tăng 40%).Giá các sản phẩm trứng gà dao động từ 1.600-2.500 đg/quả; trứng vịt từ 2.070-2.700 đg/quả tùy từng khu vực; giá khu vực miền Bắc cao hơn các khu vực còn lại).Giá sản phẩm gia súc ăn cỏ: Giá thịt bò ổn định trong khoảng 90.000-92.500 đg/kg; giá sữa tươi bình quân dao động trong khoảng 12.500-13.500 đg/kg.Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm– Do ảnh hưởng của giá nguyên liệu TACN trên thế giới, giá nguyên liệu TACN trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021, cụ thể:  Nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá:– Giá nông sản thế giới đã được thiết lập mặt bằng giá mới (trong đó có giá gạo và hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng).– Dịch bệnh Covid 19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng nguyên liệu TACN nhập khẩu (giảm nguồn cung, thiếu phương tiện vận chuyển).– Một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới chuyển sang kinh doanh nông sản, găm hàng, đẩy giá nông sản lên cao.– Mỹ là một trong những nước có sản lượng ngô lớn đã tăng sản xuất cồn sinh học (Ethanol) từ ngô, làm giảm lượng ngô xuất khẩu. Đặc biệt giá xăng dầu tăng trong tháng 02/2022 vừa qua cũng đẩy giá ngô tăng cao.– Một số nước sản xuất ngô, đậu tương lớn ở khu vực Nam Mỹ (Achentina, Brazil) có sản lượng ngô và đỗ tương giảm do tình hình hạn hán: Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng ngô của Achentina niên vụ 2021/2022 dự kiến giảm còn dưới 48 triệu tấn (theo tính toán trước đây là 54 triệu tấn), Brazil dưới 110 triệu tấn (theo tính toán trước đây là 114 triệu tấn).– Cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến nguồn cung và giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá ngô và các mặt hàng nông sản khác trên thị trường thế giới và Việt Nam.Bắt đầu từ cuối tháng 5/2022, giá nguyên liệu TACN theo xu hướng giảm nhẹ; hiện nay, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đg/kg (giảm 5,5%); khô dầu đậu tương 14.050 đg/kg (giảm 0.4%); DDGS 10.500 đg/kg (tương đương); cám gạo chiết ly 5.550 đg/kg (giảm 0,3%). Dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu chính có thể giảm (nhưng không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, điều này cũng ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi).– Giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh theo xu hướng tăng (do một số doanh nghiệp chưa tăng giá trong tháng 5, 6/2022 phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó). Cụ thể: TAHH hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 13.000 đg/kg (tăng 0,3%); TAHH hoàn chỉnh cho lợn thịt 13.350 đg/kg (tăng 1,1%) và TAHH hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 13.800 đg/kg (tăng 1,4%).Tình hình xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi Nhập khẩuTrong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị kim ngạch nhập khẩu chăn nuôi là 1.585,6 triệu USD giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa là 718,4 triệu USD, tăng 13%; kim ngạch nhập khẩu các loại thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 641,3 triệu USD, giảm 14,7%).Thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: đến hết tháng 6/2022 cả nước đã nhập khẩu 8,5 triệu tấn nguyên liệu TACN (bao gồm cả thủy sản), giá trị tương ứng là 3,7 tỷ USD (giảm khoảng 33,11% về số lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó: Ngô 3,7 triệu tấn (giảm khoảng 52,3% về số lượng và  14,71% về giá trị); khô dầu các loại 2,2 triệu tấn (giảm 39,65% về số lượng và 25,5% về giá trị); DDGS 0,43 triệu tấn (giảm 39,8% về số lượng và 17,3% về giá trị); lúa mỳ 0,73 triệu tấn (giảm 3,7% về số lượng, tăng 24,26% về giá trị).Xuất khẩuTrong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực chăn nuôi ước đạt 176 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021 (trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp là 27,88 tỷ USD). Số liệu này chưa tính kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu và thức ăn cho gia súc, gia cầm.II. Về tình hình dịch bệnhVề dịch Cúm gia cầmCả nước xảy ra 22 ổ dịch CGC (01 ổ dịch CGC A/H5N6 và 20 ổ dịch CGC A/H5N1) tại 20 huyện của 13 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 58.480 con. Hiện nay, cả nước có 02 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Thái Bình và Bắc Ninh chưa qua 21 ngày. – So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 4 lần, số tỉnh có dịch giảm 2,1 lần và số gia cầm tiêu hủy giảm 6,3 lần.Đối với Dịch tả lợn Châu PhiCả nước xảy ra 753 ổ dịch Dịch tả lợn châu Phi tại 225 huyện của 47 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.516 con. Hiện nay, cả nước có 138 ổ dịch tại 62 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 9.867 con; tổng số lợn chết và tiêu hủy là 10.076 con.  So với cùng kỳ năm 2021, xã có dịch DTLCP giảm 1,5 lần và số lợn bị tiêu hủy giảm gần 3 lần. Cụ thể: Dịch bệnh lở mồm long móngCả nước xảy ra 07 ổ dịch LMLM tại 05 huyện của 04 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 77 con. Hiện nay, cả nước có 04 ổ dịch LMLM tại 02 huyện của tỉnh Đồng Tháp chưa qua 21 ngày, số mắc bệnh là 37 con gia súc, số chết và tiêu hủy là 01 con.Dịch bệnh Viêm da nổi cục – Cả nước xảy ra 206 ổ dịch VDNC của 47 huyện của 13 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 2.116 con, tổng số gia súc tiêu hủy là 394 con. Hiện nay, cả nước có 12 ổ dịch tại 7 tỉnh Sơn La, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai và Tiền Giang chưa qua 21 ngày; số gia súc mắc bệnh là 55 con; tổng gia súc chết và tiêu hủy là 12 con.- So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 14,3 lần, số gia súc mắc bệnh giảm 68,9 lần và số gia súc tiêu hủy giảm 54,7 lần. Cụ thể:Dịch bệnh Tai xanhTừ đầu năm 2022 đến nay, không có báo cáo ổ dịch Tai xanh mới phát sinh tại các địa phương. (vi) Dịch bệnh Dại – Bệnh Dại trên người: Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước xảy ra 15 trường hợp người tử vong do bệnh Dại (giảm 18 trường hợp) tại 09 tỉnh, thành (Yên Bái 01, Thanh Hóa 01, Đắk Lắk 01, Đắk Nông 02, Phú Yên 01, Bến Tre 05, Kiên Giang 03, Tây Ninh 01). Tổng số người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng là 44.822 người (giảm 82% so với cùng kỳ năm 2021).– Bệnh Dại trên chó, mèo: Qua công tác giám sát chủ động từ đầu năm đến nay tại 11 tỉnh (Phú Thọ, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh và Bạc Liêu), đã thực hiện 912 trường hợp điều tra; trong đó, có 115 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm vi rút Dại. Kết quả phát hiện 50 trường hợp chó, mèo có dương tính với vi rút Dại (tăng 14 trường hợp) tại 10 tỉnh, bao gồm: Lào Cai (02), Phú Thọ (13), Nghệ An (04), Đắk Lắk (19), Đồng Tháp (03), Long An (03), Bình Phước (02), Trà Vinh (02), Bạc Liêu (01) và Cà Mau (01).Tình hình dịch bệnh khác – Các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm như: Dịch tả lợn cổ điển, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Đóng dấu lợn, Niu-cát-xơn, Gumboro,… được phát hiện và kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn. Hiện nay, đã có các loại vắc xin để phòng những bệnh này có hiệu quả; nhiều loại vắc xin được sản xuất trong nước.– Ngày 06/6/2022, Tập đoàn Hipra Tây Ban Nha đã tặng Bộ Nông nghiệp và PTNT 50 triệu liều vắc xin Gumboro phòng bệnh cho gia cầm. Trong đó, kế hoạch đợt 1 phân bổ cho địa phương là 20,268 triệu liều.Lũy kế cả nước có 2.329 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 50 tỉnh, thành phố được chứng nhận ATDB, bao gồm: 1.052 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.131 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 146 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Thú y đã thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cho 10 vùng (cấp huyện) của TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu và tỉnh Bình Phước. Trích Nhà chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 6/2022

TÌNH HÌNH CHUNGTheo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm nhìn chung diễn ra trong điều kiện thuận lợi do dịch bệnh covid ở trong nước đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản trên thế giới tăng cao. Giá cả các nguyên, nhiên liệu đầu vào chủ yếu phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản (như xăng dầu,phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tăng cao đã ảnh hưởng tới sản xuất nông lâm thủy sản.Trong 6 tháng, đàn lợn và gia cầm cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh lớn không xảy ra nhưng tình hình chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng. Ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến cuối tháng 6 tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2116,3 nghìn tấn, tăng 5,7%; đàn gia cầm tăng khoảng 1,2% so với cùng thời điểm năm trước, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 980,7 nghìn tấn, tăng 5,2%.Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2022 ước đạt 34,8 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 176 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 56,4 triệu USD, giảm 1,5%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 45,5 triệu USD, giảm 13,5%.Ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2022 đạt 301,6 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 718,4 triệu USD, tăng 13%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 641,3 triệu USD, giảm 14,7%.Chăn nuôi trâu, bò: Chăn nuôi trâu, bò trên cả nước trong 6 tháng năm 2022 bị ảnh hưởng từ diễn biến thời tiết khắc nghiệt đến dịch bệnh phức tạp. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2022 giảm 1,4%, tổng số bò tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2021.Chăn nuôi lợn: Ngành chăn nuôi đang đứng trước nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Nguyên nhân của sự tăng giá này chủ yếu đến từ việc giá nhập khẩu của các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm, điều này đã gây áp lực lớn cho người chăn nuôi. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2022 tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2021.Chăn nuôi gia cầm: Đàn gia cầm 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm năm 2021.Theo số liệu tính toán của TCTK, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021 cụ thể như sau: Sản lượng thịt trâu ước đạt 62,0 nghìn tấn, tăng 1,8% (trong đó quý II ước đạt 28,2 nghìn tấn, tăng 2,7%); sản lượng thịt bò ước đạt 241,2 nghìn tấn, tăng 4,4% (quý II ước đạt 112,3 nghìn tấn, tăng 5,6%); sản lượng sữa bò tươi 6 tháng ước đạt 617,8 triệu lít, tăng 10,1% (quý II ước đạt 313,3 triệu lít, tăng 9,7%), sản lượng thịt lợn ước đạt 2116,3 nghìn tấn, tăng 5,7% (quý II ước đạt 1075,3 nghìn tấn, tăng 7,1%), sản lượng thịt gia cầm ước đạt 980,7 nghìn tấn, tăng 5,2% (quý II ước đạt 473,4 nghìn tấn, tăng 5,1%); sản lượng trứng gia cầm ước đạt 8,8 tỷ quả, tăng 4,8% (quý II ước đạt 4,2 tỷ quả, tăng 5,1%).Thú y: Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tính đến ngày 22/6 cụ thể như sau:– Dịch cúm gia cầm: Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 21 ổ dịch CGC (01 ổ dịch CGC A/H5N6 và 20 ổ dịch CGC A/H5N1) tại 19 huyện của 12 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 58.480 con. Hiện nay, cả nước có 02 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 02 tỉnh Quảng Trị và Kon Tum chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 4,1 lần, số tỉnh có dịch giảm 2,2 lần và số gia cầm tiêu hủy giảm 6,2 lần.– Dịch tả lợn châu Phi: Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 738 ổ dịch DTLCP tại 216 huyện của 47 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 31.477 con. Hiện nay, cả nước có 119 ổ dịch tại 58 huyện của 24 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 7.903 con; tổng số lợn chết và tiêu hủy là 8.017 con. So với cùng kỳ năm 2021, xã có dịch DTLCP giảm 1,6 lần và số lợn bị tiêu hủy giảm 3,23 lần.– Dịch lở mồm long móng (LMLM): Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 03 ổ dịch LMLM tại 03 huyện của 03 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 39 con. Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh LMLM. So với cùng kỳ năm 2021, số xã có dịch giảm gần 27 lần, số gia súc mắc bệnh giảm gần 86 lần.– Dịch lợn tai xanh: Từ đầu năm 2022 đến nay, không có báo cáo ổ dịch Tai xanh mới phát sinh tại các địa phương.– Dịch Viêm da nổi cục: Từ đầu năm đến nay, xảy ra 200 ổ dịch VDNC của 43 huyện của 12 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 2.095 con, tổng số gia súc tiêu hủy là 386 con. Hiện nay, cả nước có 11 ổ dịch tại 05 tỉnh Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Khánh Hòa và Bến Tre chưa qua 21 ngày; số gia súc mắc bệnh là 70 con; tổng gia súc chết và tiêu hủy là 11 con. So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 14 lần, số gia súc mắc bệnh giảm 64 lần và số gia súc tiêu hủy giảm 52 lần.Thị trường chăn nuôi:Trên thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 6/2022 ở Chicago, Mỹ biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 2,1 UScent/lb xuống mức 108,875 UScent/lb. Giá thịt lợn giảm do doanh số xuất khẩu thịt lợn ở mức thấp.Tại thị trường trong nước, trong tháng 5/2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng. Giá lợn hơi miền Bắc tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 56.000 – 58.000 đồng/kg. Cụ thể, mức giao dịch cao nhất trong khu vực vẫn được ghi nhận tại Hưng Yên và Hà Nội là 58.000 đồng/kg. Ngoại trừ tỉnh Tuyên Quang hiện đang thu mua heo hơi với giá 57.000 đồng/kg, các tỉnh thành còn lại đều giao dịch ở mức 56.000 đồng/kg.Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 54.000 – 57.000 đồng/kg. Trong đó, thương lái tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Lâm Đồng thu mua heo hơi với giá cao nhất là 57.000 đồng/kg. Thấp hơn một giá ở mức 56.000 đồng/kg gồm có các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Bình Thuận. Các định phương còn lại ở mức 55.000 đồng/kg.Thị trường lợn hơi miền Nam ghi nhận giá thu mua biến động tăng từ 2.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh thành, dao động trong khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại Vũng Tàu và Cần Thơ đang ở mức 55.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Các tỉnh thành còn lại thu mua lợn hơi trong khoảng 56.000 – 60.000 đồng/kg.Giá thu mua gà tại trại biến động trái chiều tại các vùng miền trong tháng qua. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng 6.000 đồng/kg lên mức 58.000 – 59.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc, miền Trung và miền Nam ổn định ở mức 28.000 – 35.000 đồng/kg. Giá trứng gà miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng 100 đồng/quả lên mức 2.100 – 2.700 đồng/quả. Giá trứng tăng do chi phí vận chuyển tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng, người nuôi giảm đàn, nguồn cung giảm.THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2022 ước đạt 34,8 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 176 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 56,4 triệu USD, giảm 1,5%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 45,5 triệu USD, giảm 13,5%.THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU Ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2022 đạt 301,6 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 718,4 triệu USD, tăng 13%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 641,3 triệu USD, giảm 14,7%. Nguồn tin: http://channuoivietnam.com

Nhập khẩu thịt heo giảm gần 1/2 trong 6 tháng

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 45,18 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, giảm 44,1% về lượng và giảm 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, cho biết 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 289,37 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 648,51 triệu USD, giảm 23,8% về lượng và giảm 13,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 47 thị trường trên thế giới. Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam.Trong đó, Việt Nam nhập khẩu 45,18 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 95,92 triệu USD, giảm 44,1% về lượng và giảm 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.123 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam giảm 44,1% về lượng và giảm 48,7% về trị giá. (Ảnh minh họa)  Thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 35,1%; Nga chiếm 25,7% và Đức chiếm 16,6%…Ở chiều ngược lại, thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam được xuất khẩu 5,13 nghìn tấn, trị giá 22,64 triệu USD, tăng 127,2% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021 và chủ yếu xuất sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.Theo Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tư do thế hệ mới đã ký và 02 hiệp định đang đàm phán. Trong đó, khu vực các nước tham gia các Hiệp định CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn, có lợi thế hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Hoa Kỳ và châu Âu như thịt gà, thịt heo xuất vào thị trường Việt Nam.Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2022 đạt khoảng 5,0- 5,5% so với năm 2021. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,95 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 (trong đó sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn).Hiện cả nước đang có 65 nhà máy, cơ sở giết mổ chế biến thịt bao gồm heo, gia cầm, trâu bò. Chế biến theo quy mô công nghiệp với công suất chế biến 1,1 triệu tấn/năm. Nhóm sản phẩm chế biến sâu chiếm 2-5%, còn đa phần chế biến ở cấp độ sơ chế, thịt đông lạnh, thịt mát.Theo kế hoạch Đề án phát triển cơ sở chế biến, giết mổ theo quy mô công nghiệp thì sản lượng chế biến sẽ nâng lên 25% vào năm 2025, lên 35% vào năm 2030. Đề án đã được xây dựng và trình lên Thủ tướng Chính phủ.  Thái Bình Nguồn: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp

Ngày 29/8/2022 – Giá cả chăn nuôi

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Dương cung cấp, giá các sản phẩm chăn nuôi như heo hơi, vịt thịt, gà trắng, vịt thịt, gà lông màu, trứng gà như sau:  Giá sản phẩm của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam – Giá heo hơi loại 1: 65.000 đồng/kg; – Giá heo mảnh: 80.000 đồng/kg; – Giá đầu lòng heo: 39.000 đồng/kg; – Giá gà trắng lưu hành nội bộ Công ty: 34.000 đồng/kg; – Giá gà lông màu: 41.000 đồng/kg; – Giá vịt thịt của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam trong tuần xuất bán với giá 38.000 đồng/kg; Giá sản phẩm tại các Công ty và các cơ sở chăn nuôi tư nhân khác – Giá heo thịt loại 1 tại Công ty CJ Vina, Japfa và Làng Sen Việt: 63.000 – 64.000 đồng/kg; – Giá heo thịt loại 1 tại các trại chăn nuôi heo tư nhân: 61.000 – 62.000 đồng/kg; – Giá gà trắng của Công ty cổ phần 3F Việt: 36.000 đồng/kg; – Giá gà trắng của Công ty TNHH Emivest: 33.000 đồng/kg; – Giá gà lông màu tại các cơ sở chăn nuôi tư nhân: 40.000 đồng/kg; – Giá vịt thịt: 40.000 đồng/kg; – Giá vịt Cherry 1 ngày tuổi: 19.000 đồng/con; – Giá vịt Grimaud 1 ngày tuổi: 17.000 đồng/con. Giá trứng gia cầm tại các vựa trứng gia cầm – Giá trứng gà loại 1(size 21kg): 3.200 đồng/quả; – Giá trứng vịt loại 1(size 23 kg): 2.900 đồng/quả; – Giá trứng cút: 500 đồng/quả./. Nguồn Nhà chăn nuôi

Giá gà tăng mạnh

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá gà thịt lông màu ngắn ngày ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam đang ở mức khoảng 50.000 đồng/kg, tăng 6.000 – 8.000 đồng/kg. Đối với thịt gà ta thả vườn hiện nay, giá bán khá cao, từ 90.000 – 110.000 đồng/kg, tùy từng giống gà. Các hộ chăn nuôi cho biết, dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng với giá bán các loại gà như vậy, bà con vẫn có lãi.Chăn nuôi gà là nghề đã gắn bó với gia đình ông Hiếu (xã Ngọc Lương, Yên Thủy, Hòa Bình) từ nhiều năm nay. Tại Hòa Bình, gia đình ông và các hộ khác chủ yếu nuôi gà bản địa là giống gà Lạc Thủy.Ông Hiếu cho biết, trước Tết, giá gà xuất bán ra khoảng 70.000 đồng/kg, từ sau Tết, giá gà đã tăng khoảng 30 – 40%. Đối với thịt gà ta thả vườn hiện nay, giá bán khá cao, từ 90.000 – 110.000 đồng/kg, tùy từng giống gà. (Ảnh: TTXVN)  “Một con gà từ giống đến khi thành phẩm chúng tôi tính vào khoảng 150.000 – 160.000 đồng/kg. Gà được 2 – 2,2 kg mà giá 110.000 thì chúng tôi được hơn 200.000. Giá cám tăng cao nhưng với giá gà bây giờ thì người chăn nuôi vẫn có lãi”, ông Phạm Văn Hiếu, xã Ngọc Lương, Yên Thủy, Hòa Bình, chia sẻ.Không chỉ gà lông màu, mà giá gà trắng cũng tăng mạnh. Các trang trại ở Bắc Giang cho biết, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, gà trắng giá giảm mạnh mà không tiêu thụ được, nhưng nay giá cũng tăng đến 60 – 70%.“Thời điểm COVID-19, giá gà xuất ra chỉ 15.000 – 16.000 đồng/kg, hiện giá từ 38.500 – 40.500 đồng/kg. Năm nay, người chăn nuôi chúng tôi đã có thu nhập”, ông Nguyễn Văn Tùng, huyện Tân Yên, Bắc Giang, cho biết.“Giá gà tăng hơn, người chăn nuôi rất phấn khởi. Với giá cám tăng, nhưng giá gà vẫn tăng nên mỗi lứa gà so với thời điểm COVID-19, tôi vẫn lãi 50 – 60 triệu. Chia bình quân mỗi tháng, tôi được 30 triệu đồng/tháng”, ông Tạ Quang Đức, huyện Tân Yên, Bắc Giang, cho hay.Ngoài thị trường, tại các chợ dân sinh, gà lông màu đang có giá 130.000 – 150.000 đồng/kg. Giá gà trắng có giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết, nguồn cung đang bắt đầu dồi dào, không còn khan hiếm như mấy tháng trước.Chủ động nguồn cung gia cầm từ nay đến cuối nămHiện nay, giá gà giống cũng đang tăng từ 4.000 – 5.000 đồng/con. Điều này chứng tỏ nông dân đang tăng đàn mạnh nên con giống khan hiếm, đẩy giá bán tăng. Chu kỳ sinh trưởng của con gà khoảng 4 – 5 tháng. Do vậy từ nay đến cuối năm, nguồn cung gà chắc chắn là sẽ dồi dào.Bà Thịnh (xã An Bình, Lạc Thủy, Hòa Bình) mới bắt một đàn gà 6 ngày tuổi về để sẵn sàng thay thế cho đàn gà thịt chuẩn bị đến lứa xuất bán.Chăn nuôi gà đã nhiều năm, nhưng chưa khi nào bà Thịnh lại thấy đầu ra thuận lợi như lúc này. Với 3 chuồng nuôi, từ đầu năm tới nay, lúc nào gia đình bà cũng duy trì tổng đàn là 4.000 con gà.“Đợt này chúng tôi nuôi gà rất thuận lợi. Cách đây 1 tháng, tôi xuất bán được một bầy. Cách đây 1 tuần, đàn còn lại là 1.000, tôi bán 500 con. Còn 500 con nữa tôi sắp bán nốt. Xuất hết chỗ gà này là tôi vào 4.000 con nữa”, bà Vũ Thị Thịnh chia sẻ.Không chỉ vào đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày, mà các trang trại còn chủ động tính xa hơn. Để đưa ra thị trường những con gà ngon, chất lượng, thời gian nuôi cho đến lúc xuất chuồng khoảng 5 tháng. Thời điểm này, các trang trại bắt đầu vào đàn mới để phục vụ dịp lễ Tết cuối năm.“Khi mọi thứ trở lại bình thường, sức tiêu thụ cao hơn, nguồn cung không đủ cầu. Người sản xuất đã có lãi duy trì và mở rộng đàn. Trang trại của tôi lúc nào cũng vào 1.000 và xuất ra 1.000. Dịp Tết này tôi có 6 trại vệ tinh và tính vào 6.000 con gà”, bà Nguyễn Thu Thoan, chủ trang trại gà ri vi sinh, Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết.Giá gà tăng mạnh nên người dân đang có xu hướng tái đàn. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con cần chú ý thực hiện các biện pháp chăn nuôi và khâu chọn giống.Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do dịch bệnh được kiểm soát tốt nên tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm này tăng 4 – 5 % so với cùng thời điểm năm 2021. Tổng đàn gia cầm của cả nước hiện có khoảng 550 triệu con, trong đó gà khoảng 440 triệu con. Giá gà tăng mạnh các hộ chăn nuôi đang có xu hướng tái đàn là tín hiệu tốt cho ngành chăn nuôi. Giá gà tăng mạnh nên người dân đang có xu hướng tái đàn. (Ảnh: TTXVN)  Những người chăn nuôi lâu năm nhận định, từ nay đến cuối năm, khi nguồn cung gà tăng lên, giá gà vẫn có thể duy trì ở mức cao. Thứ nhất, hiện nay các hoạt động kinh doanh dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ sẽ làm tăng nhu cầu về thực phẩm. Đặc biệt, càng gần đến cuối năm, nhu cầu này càng tăng mạnh, phục vụ dịp lễ Tết.Ngoài ra, sức ép thực phẩm nhập khẩu sẽ giảm mạnh do giá lương thực, thực phẩm thế giới đang tăng cao. Điều này sẽ khiến giá lương thực, thực phẩm Việt Nam tăng và giữ ở mức cao trong năm nay và những tháng đầu năm 2023. Cùng với đó, hiện nhu cầu sử dụng thịt gà của người tiêu dùng tăng, với tốc độ tăng khoảng 8%/năm.Với những yếu tố trên, giai đoạn từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều cơ hội cho những người chăn nuôi gia cầm mở rộng thị trường tiêu thụ. Ban Thời sự, VTV

Môi trường chăn nuôi

TIÊU DIỆT KÍ SINH TRÙNG TRÊN HEO

25 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Thiệt hại của kí sinh trùng gây...

Tiềm năng, lợi thế chăn nuôi bò thịt, bò sữa của Thủ đô

25 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Là Thủ đô song Hà Nội vẫn...

DINH DƯỠNG CHO NÁI HẬU BỊ THỜI KÌ MANG THAI

25 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Sự phát triển của heo con ở...

QUẢN LÝ DINH DƯỠNG TRƯỚC VÀ SAU CAI SỮA ĐỂ GIẢM CHI PHÍ CÁM

25 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Vấn đề của những nước chăn nuôi...

NHU CẦU VITAMIN CỦA GÀ

30 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Để nuôi gia cầm thành công, người...

NHU CẦU KHOÁNG CỦA GÀ

30 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Để nuôi gia cầm thành công, người...

BỆNH TRÚNG ĐỘC DO SULPHONAMID

30 Tháng Một, 2022

Xem thêm
1. Triệu chứng Gà trúng độc Sulphonamid...

BỆNH TRÚNG ĐỘC DO FURAZOLIDON

30 Tháng Một, 2022

Xem thêm
1. Triệu chứng Khi dùng Furazolidon phòng...

BỆNH NGỘ ĐỘC THỨC ĂN DO ĐỘC TỐ AFLATOXIN

30 Tháng Một, 2022

Xem thêm

BỆNH TRÚNG ĐỘC DO MUỐI

30 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Muối là một trong những thành phần...

BỆNH TRÚNG ĐỘC DO SELENIUM (Se)

30 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Selen là một trong những nguyên tố...

BỆNH DO TRÚNG ĐỘC KHÍ NH3

30 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Khí NH3  được sinh ra từ chất...

BỆNH TRÚNG ĐỘC KHÍ CO

30 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Lượng khí CO được sinh ra do...

BỆNH TRÚNG ĐỘC DO FORMALDEHYDE

30 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Formaldehyde hay còn gọi là formon. Dung...

BỆNH SƯNG GAN THẬN TRÊN GÀ

31 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Bệnh sưng gan và thận thường xảy...

BỆNH HỘI CHỨNG XUẤT HUYẾT VÀ PHÌ GAN

31 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Bệnh FLHS là biểu hiện một quá...

BỆNH DO SUY DINH DƯỠNG TRÊN GIA CẦM

31 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Bệnh thiếu hụt dinh dưỡng gây rối...

BỆNH THIẾU VITAMIN A

31 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Đặc điểm của bệnh thiếu vitamin A...

BỆNH THIẾU VITAMIN D

31 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Bệnh thiếu vitamin D trong đàn gà...

BỆNH THIẾU VITAMIN E

31 Tháng Một, 2022

Xem thêm
Bệnh thiếu vitamin E thường hay gặp...

BỆNH THIẾU VITAMIN K

2 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh thiếu vitamin K ở gà có...

BỆNH THIẾU VITAMIN B1

2 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh thiếu vitamin B1 ở gà thể...

BỆNH THIẾU VITAMIN B2

2 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh thiếu vitamin B2 có đặc điểm...

BỆNH THIẾU VITAMIN B5

2 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh thiếu axit Pantothenic ở gia cầm...

BỆNH THIẾU AXIT NICOTINIC – VITAMIN B3

2 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh thiếu axit Pantothenic ở gia cầm...

BỆNH THIẾU PYRIDOXIN (VITAMIN B6)

3 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Đặc điểm của bệnh này là giảm...

BỆNH THIẾU BIOTIN (VITAMIN H)

3 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Gà mắc bệnh thiếu Biotin có đặc...

BỆNH THIẾU AXIT FOLIC

3 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Axit folic hay còn gọi là vitamin...

BỆNH THIẾU CHOLINE

3 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Chất Choline còn được gọi là vitamin...

BỆNH THIẾU VITAMIN B12

3 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Vitamin B12 cần thiết cho sự phát...

BỆNH THIẾU SELENIUM

3 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh thiếu Selenium ở gà có đặc...

BỆNH THIẾU CANXI VÀ PHOTPHO (Ca, P)

3 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Canxi và photpho là 2 nguyên liệu...

BỆNH THIẾU MANGAN (Mn)

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Mangan được hấp thu qua đường tiêu...

BỆNH THIẾU MUỐI (NaCl)

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
NaCl là một loại muối bao gồm...

BỆNH THIẾU KẼM (Zn)

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Kẽm là một nguyên tố vi lượng...

BỆNH THIẾU (Mg)

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Mg trong cơ thể động vật chiếm...

BỆNH DO ĐÓI TRÊN GÀ

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh đói ở gà thường thể hiện...

BỆNH DO MẤT NƯỚC TRÊN GÀ

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Gà bị thiếu nước hay mất nước...

BỆNH DO LẠNH TRÊN GÀ

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Gà bị lạnh với biểu hiện đứng...

BỆNH DO NÓNG TRÊN GÀ

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Nhiệt độ quá nóng trong chuồng nuôi...

BỆNH DO TỔN THƯƠNG TRÊN GÀ

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Đây là một bệnh nội ngoại khoa...

BỆNH THIẾU KALI TRÊN GÀ

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Kali trong cơ thể có tác dụng...

BỆNH VIÊM THẬN SỚM Ở GÀ

6 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh chỉ thấy xuất hiện ở gà...

BỆNH MỆT MỎI CỦA GÀ ĐẺ CÔNG NGHIỆP

7 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh CLF thường xảy ra ở gà...

BỆNH CÒI XƯƠNG

7 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Đây là bệnh thường phổ biến ở...

BỆNH MỀM ĐỐT SỐNG

7 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh thường thấy ở gà thịt giai...

BỆNH SỤN HOÁ XƯƠNG BÀN CHÂN

7 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh sụn hoá xương chày, xương bàn...

BỆNH GOUT

7 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Bệnh gout trên gà chia làm hai...

Kỹ thuật phòng và chữa bệnh cho vịt

12 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Sở hữu tổng đàn gia súc, gia...

LỰA CHỌN HỆ THỐNG CẤP NƯỚC CHO ĐÀN GÀ

12 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Ai cũng biết nước là nguồn dinh...

7 CÁCH GIÚP TĂNG LƯỢNG THỨC ĂN ĂN VÀO Ở HEO CAI SỮA

12 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Nếu lượng thức ăn ăn vào tăng...

ĐỘC TỐ NẤM MỐC: CÁNH CỬA CHO CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM.

25 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Ảnh hưởng trực tiếp của độc tố...

BỔ SUNG CHẤT ĐIỆN GIẢI CHO GÀ

25 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Không khí nóng gây thiệt hại rất...

CÁC BIỆN PHÁP GIÚP THỤ TINH NHÂN TẠO THÀNH CÔNG

25 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Thụ tinh nhân tạo có nhiều ưu...

QUẢN LÝ NÁI CAO SẢN

25 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Lý do khiến các trại tuy đã...

NUÔI DƯỠNG GÀ VÀO MÙA NÓNG

25 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Thông qua việc tạo và giải phóng...

VITAMIN VÀ NĂNG SUẤT SINH SẢN CỦA HEO

25 Tháng Hai, 2022

Xem thêm
Một trong những yếu tố quan trọng...

BỆNH TGE TRÊN HEO – TRANSMISSBLE GASTROENTERITIS OF SWINE

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG – FOOT AND MOUTH DISEASE

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH MỤN NƯỚC TRÊN HEO – SWINE VESICULAR DISEASE

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH MỤN NƯỚC TRONG MIỆNG HEO – SWINE VESICULAR STOMATITIS

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH PED TRÊN HEO – PORCINE EPIDEMIC DIARRHAE

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH ĐẬU HEO – SWINE POX

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN TRÊN HEO – SWINE JAPANESE B ENCEPHALOMYETIS

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH VIÊM NÃO DO VIRUS NIPAH TRÊN HEO – NIPAH ENCEPHALITIS IN PIG

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

HỘI CHỨNG CÒI CỌC TRÊN HEO – POST WEANING MULTI SYSTEMIC WASTING SYNDROM

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH SẢY THAI DO PARVOVIRUS TRÊN HEO – PARVOVIRUS DISEASE OF SWINE

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH PPRS TRÊN HEO – PORCINE REPRODUCTIVE AND RESPYRATORY SYNDROME

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH GIẢ DẠI TRÊN HEO – AUJESZKY

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH CÚM HEO – HOG FLU

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH DỊCH TẢ CHÂU PHI – AFRICA SWINE FIVER

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH DỊCH TẢ HEO – HOG CHOLERA

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH SƯNG PHÙ ĐẦU TRÊN GÀ – AVIAN PNEUMOVIRUS (APV)

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

HỘI CHỨNG CÒI CỌC DO REOVIRUS – REO

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH CÚM GIA CẦM – AVIAN INFLUENZA (AI)

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH BẠI HUYẾT TRÊN VỊT – NGAN

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH KHẸC TRÊN VỊT – NGAN

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH HUYẾT TRÙNG TRÊN VỊT – NGAN

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH E. COLI TRÊN VỊT – NGAN

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm

BỆNH THƯƠNG HÀN TRÊN VỊT – NGAN

7 Tháng Tư, 2022

Xem thêm